
TOP 10 ESG - VIỆT NAM XANH
Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và nhu cầu minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, ESG (Environmental, Social and Governance) đã trở thành một khung tham chiếu quan trọng để đánh giá tính bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, xu hướng này đang ngày càng được chú trọng khi các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các yếu tố phi tài chính trong hoạt động doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2023), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, với thiệt hại ước tính khoảng 10% GDP hàng năm nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững và có trách nhiệm với môi trường, xã hội, cộng đồng, người lao động và các cổ đông.
Nhận thấy triển vọng phát triển ESG tại Việt Nam đang ngày càng sáng sủa với nhiều yếu tố thuận lợi, Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư nghiên cứu và công bố Bảng xếp hạng Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh trong các ngành (ESG10) nhằm đánh giá, công nhận và tôn vinh nỗ lực của các doanh nghiệp tiên phong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đây sẽ là một điểm khởi đầu quan trọng cho hành trình chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Bảng xếp hạng ESG10 đóng vai trò quan trọng trong việc: Thiết lập các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tính tương thích với chuẩn mực quốc tế; Tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả ESG; Xây dựng cơ sở dữ liệu về thực tiễn ESG tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách và nghiên cứu.
TIÊU CHÍ NGHIÊN CỨU – ĐÁNH GIÁ
I. ESG là gì?
- Môi trường (Environmental): Đánh giá các hành động và chiến lược của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
- Xã hội (Social): Xem xét các chính sách và hoạt động của doanh nghiệp đối với nhân viên, cộng đồng và các bên liên quan, bao gồm quyền lợi lao động, sự đa dạng, bình đẳng và đóng góp xã hội.
- Quản trị (Governance): Đánh giá cơ cấu quản trị doanh nghiệp, bao gồm sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản lý rủi ro và tuân thủ các quy định pháp lý.
II. Mục tiêu của bảng xếp hạng ESG10:
- Tạo ra một chuẩn mực đánh giá khách quan và toàn diện về hiệu quả thực hiện ESG của doanh nghiệp Việt Nam, giúp các nhà đầu tư và đối tác có công cụ tham chiếu đáng tin cậy trong quá trình ra quyết định.
- Thúc đẩy văn hóa minh bạch và trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc công nhận và tôn vinh những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện ESG.
- Cung cấp một nền tảng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực thực hiện ESG cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
III. Các tiêu chí xếp hạng:
Qua khảo sát một số mô hình xếp hạng tiên tiến trên thế giới như xếp hạng Dow Jones Sustainability Index (DJSI) của S&P Global và RobecoSAM, xếp hạng MSCI ESG Ratings của Morgan Stanley Capital International, xếp hạng Sustainalytics ESG Risk Ratings của Morningstar, xếp hạng Bloomberg ESG Data Service của Bloomberg, xếp hạng Corporate Knights Global 100 của Corporate Knights (Canada) … cũng như nhiều chương trình xếp hạng về ESG tại các quốc gia trên thế giới với trình độ phát triển khác nhau và căn cứ trên điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bảng xếp hạng ESG10 được xây dựng dựa trên việc đánh giá các nhóm tiêu chí sau:
- Hiệu quả kinh doanh và tính bền vững trong so sánh với mức trung bình ngành: Đánh giá dựa trên mức độ an toàn trong cơ cấu vốn, khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời duy trì ổn định trong tối thiểu 2 năm gần nhất so với mức trung bình của toàn ngành.
- Các cam kết chính sách về ESG trong ngành: Đánh giá dựa trên tầm nhìn và chiến lược ESG của doanh nghiệp, tích hợp ESG thông qua các chính sách và hành động cụ thể. Mức độ doanh nghiệp công khai minh bạch cam kết ESG được thể hiện trên truyền thông, qua các báo cáo phát triển bền vững, các cam kết, tuyên bố chính thức từ doanh nghiệp và báo cáo thường niên. Mức độ tham gia các sáng kiến về ESG đã được cộng đồng ghi nhận.
- Các cam kết liên quan đến tác động Môi trường trong cam kết ESG của doanh nghiệp trong ngành: Đánh giá các yếu tố liên quan đến tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, mức độ tuân thủ, các chứng nhận về quản lý môi trường, khả năng đầu tư vào công nghệ xanh và các chính sách giảm thiểu tác động môi trường của doanh nghiệp.
- Các cam kết liên quan đến Tác động xã hội trong cam kết ESG của doanh nghiệp trong ngành: Đánh giá các khía cạnh liên quan đến quyền lợi và phúc lợi người lao động, chính sách về bình đẳng giới, hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự, mức độ đảm bảo an toàn lao động. Đánh giá những đóng góp cho cộng đồng của doanh nghiệp thông qua các hoạt động từ thiện hoặc hỗ trợ các vấn đề xã hội quan trọng (y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng).
- Các cam kết liên quan đến Quản trị trong cam kết ESG của doanh nghiệp trong ngành: Đánh giá về cơ cấu quản trị, mức độ minh bạch trong công bố thông tin, đạo đức kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan như cổ đông, khách hàng và đối tác.
Các nhóm tiêu chí trên sẽ được phân tích, nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa thông qua việc phân bổ trọng số phù hợp để chọn ra danh sách Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh trong các ngành (ESG10).
IV. Lợi ích khi lọt vào danh sách ESG10
- Nâng cao Uy tín và Giá trị Thương hiệu: Được công nhận là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững tại Việt Nam. Tăng cường hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm trong mắt nhà đầu tư, đối tác và người tiêu dùng. Tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt trên thị trường, đặc biệt khi tiếp cận các đối tác quốc tế và khách hàng có ý thức về phát triển bền vững.
- Tiếp cận Nguồn vốn và Cơ hội Đầu tư Thuận lợi: Được các định chế tài chính và nhà đầu tư ESG ưu tiên lựa chọn, mở ra cơ hội tiếp cận các khoản vay xanh và nguồn tài chính bền vững với các điều kiện ưu đãi. Đồng thời, gia tăng khả năng thu hút vốn từ các quỹ đầu tư trách nhiệm xã hội (SRI funds) và các tổ chức đầu tư quốc tế.
- Cơ hội Kết nối và Học hỏi: Trở thành một phần của mạng lưới doanh nghiệp tiên phong về ESG tại Việt Nam, với cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các doanh nghiệp hàng đầu. Được ưu tiên tham gia các sự kiện, hội thảo, và chương trình đào tạo chuyên sâu về ESG.
- Tối ưu hóa Hoạt động và Quản trị Rủi ro: Được các chuyên gia tư vấn và đánh giá về hiệu quả thực hiện ESG. Nhận được phản hồi chi tiết về điểm mạnh và các lĩnh vực cần cải thiện. Có cơ sở để xây dựng lộ trình cải tiến và phát triển bền vững hiệu quả hơn.
- Lợi thế trong Phát triển Thị trường và Quan hệ Đối tác: Tăng khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao về ESG. Thuận lợi trong việc thiết lập quan hệ đối tác với các tập đoàn đa quốc gia có cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững.