Chương trình xếp hạng Top 10 ESG - Việt Nam Xanh

Trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, các bảng xếp hạng ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trở thành thước đo quan trọng để đánh giá mức độ cam kết và hiệu quả của doanh nghiệp trong các yếu tố này. Ba bảng xếp hạng ESG uy tín nhất hiện nay gồm Dow Jones Sustainability Index (DJSI), MSCI ESG Ratings,Sustainalytics ESG Risk Ratings. Mỗi hệ thống có phương pháp đánh giá riêng, giúp nhà đầu tư và các bên liên quan hiểu rõ hơn về hiệu suất bền vững của doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những nội dung chính về phương pháp xếp hạng ESG của Dow Jones Sustainability Index (DJSI).

1. Giới thiệu

Ra đời năm 1999, DJSI là một trong những bảng xếp hạng ESG lâu đời và uy tín nhất thế giới, được phát triển bởi S&P Global và RobecoSAM. DJSI tập trung vào việc đánh giá các doanh nghiệp dựa trên hiệu quả quản trị, môi trường và xã hội. DJSI xem xét các yếu tố như quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, xây dựng thương hiệu, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn chuỗi cung ứng và thực hành lao động. Tiêu chí đánh giá của DJSI sẽ loại trừ các công ty không tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững và đạo đức kinh doanh và giữ lại các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn trong danh sách.

2. Hệ thống tiêu chí đánh giá riêng biệt

DJSI áp dụng hệ thống tiêu chí bền vững chung và riêng biệt cho từng ngành, với tổng cộng hơn 60 lĩnh vực được xác định theo Chuẩn mực phân loại ngành (ICB). Phương pháp luận của DJSI cho phép thiết kế và phát triển các chỉ số bền vững tùy chỉnh theo từng đặc điểm riêng biệt của doanh nghiệp, bao gồm:

– Chỉ số theo khu vực địa lý

– Chỉ số phân khúc các doanh nghiệp bền vững hàng đầu

– Chỉ số tích hợp các tiêu chí loại trừ bổ sung

– Chỉ số được tính toán theo các loại tiền tệ khác nhau

Danh sách 62 lĩnh vực được xác định theo Chuẩn mực phân loại ngành (ICB) của DJSI (Nguồn: S&P Global CSA)

3. Cơ chế đánh giá và giám sát

Để được đưa vào DJSI, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về quản lý tài sản kinh tế, xã hội và môi trường dài hạn. Tiêu chí đánh giá được cập nhật hàng năm, yêu cầu doanh nghiệp không ngừng cải thiện chiến lược phát triển bền vững để duy trì vị trí trong bảng xếp hạng. Sau khi được niêm yết trên DJSI, các công ty sẽ được giám sát liên tục. Hệ thống theo dõi hàng ngày giúp phát hiện các vấn đề nghiêm trọng có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bị loại khỏi danh sách, chẳng hạn như: Các hành vi thương mại sai phạm, vi phạm nhân quyền, tranh chấp lao động hoặc sa thải hàng loạt, gây ra thảm họa lớn ảnh hưởng đến môi trường hoặc cộng đồng, v.v.

Quy trình giám sát doanh nghiệp của DJSI được hỗ trợ bởi RepRisk, một công ty nghiên cứu toàn cầu chuyên về dữ liệu rủi ro ESG. RepRisk phân tích các nguồn tin từ truyền thông, các  bên liên quan và dữ liệu công khai để xác định các rủi ro tiềm ẩn. Khi một sự kiện tiêu cực xảy ra, RobecoSAM – đơn vị quản lý chỉ số DJSI – sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc dựa trên phạm vi truyền thông, khả năng kiểm soát khủng hoảng của doanh nghiệp và tác động dài hạn. Nếu vấn đề đủ nghiêm trọng, công ty có thể bị loại khỏi danh sách DJSI.

4. Dữ liệu xếp hạng được tổng hợp từ nhiều nguồn

Xếp hạng DJSI được xây dựng dựa trên:

– Bảng câu hỏi RobecoSAM hàng năm, bao gồm 24 tiêu chí đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp (CSA).

– Các tài liệu ESG được công bố bởi doanh nghiệp.

– Dữ liệu từ truyền thông và các bên liên quan (bao gồm phân tích phạm vi đưa tin và bình luận của giới chuyên gia).

– Thông tin thu thập từ quá trình làm việc trực tiếp với doanh nghiệp.

24 tiêu chí trong bộ Chỉ số Bền vững Doanh nghiệp (Corporate Sustainability Assessment – CSA) của DJSI 

Ngoài ra, Deloitte đóng vai trò kiểm toán viên độc lập, đảm bảo tính minh bạch và chính xác của dữ liệu đánh giá.  Với quy trình đánh giá nghiêm ngặt và tiêu chí chặt chẽ, DJSI không chỉ là một thước đo hiệu suất ESG, mà còn là công cụ giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn.

Nguồn: S&P Global