Chương trình xếp hạng Top 10 ESG - Việt Nam Xanh

Hiệu quả của tuân thủ ESG đối với quá trình tạo giá trị của doanh nghiệp không chỉ dựa trên những số liệu cụ thể mà còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố mềm. Đối với các nhà lãnh đạo đang tìm kiếm cơ hội ESG mới hoặc định hướng tổ chức theo những chiến lược khác biệt so với mô hình kinh doanh truyền thống, việc thấu hiểu các yếu tố này sẽ là chìa khóa để tạo ra sự chuyển đổi bền vững. Trong phần cuối cùng của bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu về những yếu tố cá nhân có thể ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi ESG của doanh nghiệp.

  1. Xác định trọng tâm chiến lược ESG  

Việc hiểu rõ những cách thức mà các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có thể tạo ra giá trị là rất quan trọng. Tuy nhiên, để truyền cảm hứng và thúc đẩy hành động, điều cốt lõi nằm ở việc xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu. Điều này phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, bởi mỗi nhà lãnh đạo và đội ngũ điều hành có thể có những mối quan tâm khác nhau về ESG.

Trong thực tế, các doanh nghiệp lớn có thể triển khai hàng chục dự án ESG cùng lúc, nhưng quá nhiều ý tưởng có thể gây phân tán nguồn lực và thậm chí mâu thuẫn với nhau. Một doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào tối đa năm sáng kiến ESG trọng điểm, và cần xác định rõ ràng mục tiêu của từng dự án. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần lấy chính sứ mệnh cốt lõi làm kim chỉ nam. Chẳng hạn, một tập đoàn nông nghiệp có thê định hướng chiến lược ESG bằng cách tập trung vào giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Doanh nghiệp tận dụng chuyên môn của mình để hỗ trợ nông dân tại các khu vực mới nổi trong việc đa dạng hoá cây trồng và áp dụng công nghệ mới, từ đó không chỉ gia tăng sản lượng mà còn mở rộng quan hệ hợp tác với các cộng đồng địa phương.

Vinamilk hỗ trợ nông dân địa phương tại khu vực nhà máy Vinamilk Thanh Hoá cải tạo đất bạc màu, nâng cao năng suất canh tác để đảm bảo an ninh lương thực cũng như hoàn thiện chuỗi cung ứng hướng tới mục tiêu Net Zero (Nguồn: Tuổi trẻ Online).

Ngay trong cùng một ngành, chiến lược ESG của từng doanh nghiệp có thể khác nhau tuỷ thuộc vào giai đoạn phát triển của họ. Các công ty khởi nghiệp có thể tận dụng ESG như một động lực tăng trưởng. Ví dụ như trường hợp của BrewDog – thương hiệu bia thủ công – cam kết dành 20% lợi nhuận hằng năm để thực hiện các sáng kiến tạo giá trị cho xã hội. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lâu đời không có nhiều sự linh hoạt như vậy. Đối với một số ngành đặc thù như than đá hoặc thuốc lá, ESG có thể được triển khai theo hướng duy trì quan hệ với cộng đồng và giảm thiểu rủi ro cho xã hội. Dù ở hoàn cảnh nào, vai trò của CEO vẫn là xây dựng sự đồng thuận và định hướng các sáng kiến ESG phù hợp nhất với chiến lược của doanh nghiệp.

2. Hiện thực hoá chiến lược ESG  

Tạo giá trị phải là thông điệp cốt lõi mà CEO truyền tải. Bất kỳ thông điệp nào khác đều có thể trở nên thiếu thực tế và xa rời mục tiêu kinh doanh. Trong thực tế, các nhà quản lý, đặc biệt là cấp cao, thường được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu hiệu suất. Trong bối cảnh đó, những tuyên bố chung chung về ESG có thể bị xem là xa vời hoặc thiếu tính ứng dụng. Những khẩu hiệu như “cứu lấy hành tinh” sẽ không đủ sức thuyết phục. Để tất cả cùng đồng lòng, doanh nghiệp cần chứng minh rằng các ưu tiên ESG thực sự tạo ra giá trị và giải thích rõ cho các thành viên về cách thức thực hiện, lý tưởng nhất là thông qua các chỉ số đo lường cụ thể có liên hệ trực tiếp đến mô hình kinh doanh – chẳng hạn như sản lượng trên mỗi đơn vị điện tiêu thụ, chi phí xử lý rác thải trên mỗi nhân viên tại một cơ sở sản xuất, hoặc giá trị dinh dưỡng trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Thành công của chương trình NESCAFÉ Plan thực hiện bởi Nestlé Việt Nam được đo lường bởi những con số cụ thể.

Quá trình xây dựng chiến lược ESG sẽ trở nên đơn giản hơn nếu doanh nghiệp đã thực hiện phân tích chuyên sâu về chuỗi giá trị, xác định rõ đâu là cơ hội lớn nhất và đâu là những yếu tố có tác động mạnh nhất đến hoạt động kinh doanh. Những công ty tiên phong thường nghiên cứu kỹ lưỡng các sáng kiến tiềm năng, tham vấn các chuyên gia hàng đầu trong ngành, đồng thời liên tục điều chỉnh kế hoạch dựa trên phản hồi từ cả đối tác nội bộ và bên ngoài. Cuối cùng, họ công bố kết quả nghiên cứu một cách minh bạch. Việc truyền thông rõ ràng – đặc biệt là với các nhà đầu tư – không chỉ đảm bảo tính chặt chẽ trong chiến lược mà còn giúp chuyển hoá cam kết ESG thành hành động thực tế.

3. Nhìn nhận thực tế về ESG  

Nhìn nhận một cách thực tế về thực thi ESG bao gồm cả việc thừa nhận rằng nếu thực hiện sai, doanh nghiệp có thể gánh chịu tổn thất nghiêm trọng. Quá sa đà vào có thể khiến lãnh đạo mất tập trung và lãng phí thời gian, nhưng làm quá ít còn nguy hiểm hơn. Các công ty có thành tích kém về môi trường, xã hội và quản trị thường có nguy cơ cao đối mặt với những sự kiện bất lợi nghiêm trọng. Trong vài năm qua, không ít doanh nghiệp có chiến lược ESG yếu kém đã chứng kiến giá trị vốn hoá thị trường sụt giảm hai con số chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi những sai lầm của họ bị phanh phui.

Volkswagen đã thiệt hại ít nhất 14.7 tỷ USD sau vụ bê bối “Clean Diesel” – gian lận kiểm tra khí thải và lừa dối khách hàng về xe động cơ diesel vào năm 2015.

Lãnh đạo doanh nghiệp cần đánh giá sát sao những rủi ro liên quan đến tương tác với các bên liên quan, bởi theo kinh nghiệm thực tế, một chiến lược ESG kém có thể làm mất đến 30% giá trị doanh nghiệp. Việc lập kế hoạch cho các kịch bản rủi ro tác động đến lợi nhuận vận hành là điều không thể bỏ qua. Trong bối cảnh hiện nay, những cú sốc lớn có thể đến từ bất cứ đâu – thậm chí chỉ từ một dòng trạng thái trên mạng xã hội. Xem nhẹ ESG đồng nghĩa với việc chấp nhận thất bại, và né tránh rủi ro một cách thụ động có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ngược lại, việc tiếp cận ESG một cách minh bạch và có chiến lược sẽ giúp gia tăng giá trị dài hạn, dù điều đó có thể gây ra những khó khăn nhất thời. Ed Stack, CEO của chuỗi bán lẻ Dick’s Sporting Goods tại Bắc Mỹ, từng dự báo rằng quyết định hạn chế bán súng vào năm 2018 của công ty sẽ khiến một số khách hàng quay lưng. Ông đã đúng: theo ước tính, động thái này khiến công ty mất 150 triệu USD doanh thu – tương đương gần 2% doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, cổ phiếu của công ty đã tăng 14%, minh chứng cho thấy một chiến lược ESG mạnh mẽ có thể mang lại lợi ích bền vững.