Chương trình xếp hạng Top 10 ESG - Việt Nam Xanh

Tư duy và hành động theo các tiêu chí ESG một cách chủ động đang ngày càng trở nên cấp thiết. Tháng 8/2019, các thành viên thuộc tổ chức Business Roundtable tại Mỹ đã đưa ra một tuyên bố mới, khẳng định cam kết bền vững của doanh nghiệp đối với lợi ích nhiều bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cộng đồng và cổ đông. Song hành với xu hướng này, dòng vốn đầu tư ESG đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng tài sản ESG toàn cầu đã vượt qua 30 nghìn tỷ đô la vào năm 2022 và đang trên đà vượt qua 40 nghìn tỷ đô la vào năm 2030 — chiếm hơn 25% trong tổng số 140 nghìn tỷ đô la tài sản được quản lý (AUM) theo báo cáo ESG năm 2024 của Bloomberg Intelligence. Động lực chính thúc đẩy sự gia tăng này là sự quan tâm ngày càng lớn của xã hội, chính phủ và người tiêu dùng đối với tác động của doanh nghiệp, cùng với nhận thức từ các nhà đầu tư và lãnh đạo rằng một chiến lược ESG vững chắc có thể đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Dòng vốn khổng lồ đổ vào ESG cho thấy đây không phải một xu hướng nhất thời hay chỉ mang tính hình thức. Theo báo cáo Sustainability Megatrends Report được thực hiện bởi Cushman & Wakefield với sự tham gia của 250 tổ chức đầu tư, 60% nhà đầu tư cho biết các khoản đầu tư vào ESG đem tới tỷ suất sinh lời cao hơn, và 78% sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào những dự án kiểu này. Một chiến lược ESG mạnh mẽ có mối tương quan trực tiếp với lợi nhuận cổ phiếu cao hơn, cả về xu hướng tăng trưởng lẫn động lực thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp có chỉ số ESG tốt cũng giảm đáng kể rủi ro tài chính, thể hiện qua mức chênh lệch tín dụng thấp hơn và xếp hạng tín dụng cao hơn. ESG, vì thế, không chỉ là một bộ tiêu chuẩn đạo đức mà còn là chiến lược tạo ra giá trị thực tiễn cho doanh nghiệp.

Vậy câu hỏi đặt ra là: ESG tạo ra giá trị kinh tế như thế nào?

05 lợi ích mà thực hành ESG đem tới cho giá trị doanh nghiệp

Theo nghiên cứu của McKinsey, ESG có tác động trực tiếp đến dòng tiền theo năm khía cạnh quan trọng:

Mỗi yếu tố này cần được các nhà lãnh đạo cân nhắc khi triển khai chiến lược ESG. Bên cạnh đó, yếu tố “mềm” – bao gồm tư duy lãnh đạo và cách tiếp cận ESG một cách linh hoạt – cũng đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế từ ESG để tạo ra giá trị bền vững.

1. Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu

Một chiến lược ESG vững chắc không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới và mở rộng quy mô hoạt động. Khi doanh nghiệp xây dựng được lòng tin với các cơ quan quản lý, họ có nhiều khả năng được cấp phép, phê duyệt và tiếp cận các cơ hội tăng trưởng.

Điển hình, trong một dự án hạ tầng hợp tác công – tư quy mô lớn tại Long Beach, California, các công ty tư nhân tham gia đều được lựa chọn dựa trên thành tích bền vững trước đó. Ngành khai khoáng cũng ghi nhận lợi ích rõ ràng từ ESG. Các công ty khai thác vàng có hoạt động gắn kết xã hội tốt hơn, được cộng đồng ủng hộ, thường ít gặp trở ngại trong quá trình xin cấp phép và vận hành, từ đó đạt định giá cao hơn so với các đối thủ có mức độ cam kết ESG thấp hơn.

ESG cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách tác động đến sở thích tiêu dùng. Nghiên cứu của McKinsey cho thấy người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Dù mức độ sẵn sàng chi trả có sự khác biệt, hơn 70% người tiêu dùng trong các ngành ô tô, xây dựng, điện tử và bao bì cho biết họ sẵn sàng trả thêm 5% cho sản phẩm xanh nếu chất lượng tương đương với sản phẩm thông thường. Một khảo sát khác chỉ ra rằng 44% doanh nghiệp xem các cơ hội tăng trưởng là động lực chính để triển khai các chương trình phát triển bền vững.  Những lợi ích này đã được chứng minh trên thực tế. Khi Unilever ra mắt nước rửa chén Sunlight với công thức tiết kiệm nước, doanh số của Sunlight và các sản phẩm tiết kiệm nước khác đã vượt tốc độ tăng trưởng ngành hơn 20% tại nhiều thị trường khan hiếm nước. Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Neste của Phần Lan, vốn thành lập cách đây hơn 70 năm với mô hình lọc dầu truyền thống, hiện tạo ra hơn hai phần ba lợi nhuận từ nhiên liệu tái tạo và các sản phẩm liên quan đến phát triển bền vững. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy ESG không chỉ là xu hướng mà còn là chiến lược kinh doanh mang lại giá trị thực tiễn.

2. Cắt giảm chi phí

Chiến lược ESG hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, đặc biệt trong việc giảm chi phí hoạt động. Nghiên cứu của McKinsey cho thấy, ESG có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí nguyên vật liệu, nước và khí thải carbon – những yếu tố có thể ảnh hưởng đến 60% biến động của lợi nhuận vận hành. Báo cáo này cũng chỉ ra mối tương quan mạnh mẽ giữa hiệu suất sử dụng tài nguyên và hiệu quả tài chính, với những doanh nghiệp tiên phong trong chiến lược bền vững đạt được lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

Lấy ví dụ từ 3M – tập đoàn đã triển khai chương trình “Pollution Prevention Pays” (3Ps – Chi Tiêu Để Chống Ô Nhiễm) từ năm 1975. Tập đoàn đã tiết kiệm được 2,2 tỷ USD nhờ cải tiến quy trình sản xuất, tái chế và tối ưu hoá sản phẩm để ngăn ngừa ô nhiễm ngay từ đầu. Một công ty cung cấp nước lớn cũng tiết kiệm gần 180 triệu USD mỗi năm nhờ cải thiện bảo trì, quản lý kho phụ tùng và tối ưu hoá tiêu thụ năng lượng. Trong lĩnh vực vận tải, FedEx đang chuyển đổi toàn bộ 35.000 xe vận tải của mình sang động cơ điện hoặc hybrid, với 20% đội xe đã được thay thế, giúp giảm hơn 50 triệu gallon nhiên liệu.

Rõ ràng, ESG không chỉ là xu hướng, mà còn là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành.

3. Giảm thiểu rủi ro pháp lý và xung đột với các quy định

Một chiến lược ESG bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị bên ngoài mà còn tạo ra sự linh hoạt chiến lược, giảm áp lực từ cơ quan quản lý. Thực tế đã cho thấy, các doanh nghiệp có nền tảng ESG mạnh mẽ ít đối mặt với nguy cơ chịu sự can thiệp từ chính phủ và thậm chí còn nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước.

Giá trị bị ảnh hưởng bởi các chính sách quản lý lớn hơn nhiều so với những gì doanh nghiệp có thể tưởng tượng. Theo phân tích của McKinsey, trung bình khoảng một phần ba lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị tác động bởi sự can thiệp của chính phủ. Tùy theo ngành nghề, mức độ ảnh hưởng có sự khác biệt đáng kể. Ví dụ, trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, khoảng 25-30% lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách quản lý. Trong khi đó đối với ngành ngân hàng, nơi chịu tác động mạnh mẽ bởi các quy định về yêu cầu vốn, bảo vệ người tiêu dùng và “too big to fail”, con số này dao động từ 50-60%. Trong ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ, quốc phòng và công nghệ – nơi phụ thuộc nhiều vào các khoản trợ cấp của chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác – giá trị lợi nhuận bị ảnh hưởng cũng có thể lên tới 60%.

Trong nhiều ngành công nghiệp, một phần lớn lợi nhuận trước thuế và lãi vay của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ sự tương tác với các yếu tố bên ngoài (Nguồn: McKinsey)

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về xu hướng đầu tư vào ESG và 3/5 lợi ích kinh tế mà thực hành ESG đem đến cho doanh nghiệp. Các lợi ích kinh tế 4- Nâng cao năng suất lao động 5- Tối ưu hoá đầu tư và chi tiêu vốn sẽ được phân tích trong Phần 2/3 của loạt bài viết 05 tác động tích cực của thực hành ESG tới giá trị doanh nghiệp.

Xem phần 2: 05 tác động tích cực của thực hành ESG tới giá trị doanh nghiệp (Phần 2/3)